Bài phát biểu tại hội nghị Tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm dạy theo mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam”

BÀI PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ

TỌA ĐÀM, CHIA SẺ KINH NGHIỆM

DẠY THEO MÔ HÌNH “TRƯỜNG TIỂU HỌC MỚI VIỆT NAM”

                             Người viết : Ông : Trần văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ

Kính thưa:  + Đ/c Bùi Anh Tuấn – Trưởng phòng tiểu học và các đ/c chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định.

+ Các đ/c lãnh đạo và chuyên viên phòng GD-&ĐT các huyện, thành phố thuộc  tỉnh Nam Định.

+ Các vị đại biểu tham dự Hội nghị .

Trước hết tôi xin thay mặt cho lãnh đạo địa phương xã Nam Mỹ – huyện Nam Trực xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh  Nam Định, các vị đại biểu tham dự Hội nghị lời kính chúc sức khỏe, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính thưa các vị đại biểu, thưa Hội nghị!

Xã Nam Mỹ là một xã có quy mô nhỏ, là xã nông nghiệp: với tổng diện tích trên 4 km2 với dân số gần 7000 nhân khẩu, nằm phía Đông Bắc huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định 3,5 km về phía Bắc. Những năm gần đây nghề trồng Đào hoa, cây cảnh phát triển mạnh, có thương hiệu và cung cấp cho mọi miền đất nước .

Về giáo dục: toàn xã có 3 trường học thuộc 3 cấp học Mần non, Tiểu học, Trung học cơ sở. Cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia, riêng trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2, còn trường Mần non chúng tôi đang chuẩn bị điều kiện để đăng ký xây dựng chuẩn mức độ 2. Đối với địa phương Nam Mỹ việc đầu tư cho giáo dục là mối quan tâm hàng đầu, chất lượng giáo dục của các cấp học đều đứng trong tốp đầu của huyện đặc biệt là trường tiểu học. Có thể nói đây là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh trong xã và ngoài xã.

Thưa hội nghị!

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương khóa XI với nội dung “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Năm học 2014-2015 được Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực giao nhiệm vụ trường tiểu học Nam Mỹ tổ chức thực hiện mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam”, chúng tôi xác định vai trò, trách nhiệm của địa phương trong việc thực hiện thực hiện mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam”:

– Về nội dung, chuyên môn do giáo viên, do nhà trường, do nghành triển khai và đảm nhiệm.

– Về cơ sở chất, trường lớp, cảnh quan, sân chơi, bãi tập thì địa phương cùng với phụ huynh có trách nhiệm đảm bảo cho nhà trường, ban đại diện từng khối, từng lớp thống nhất bàn bạc và tổ chức trang trí tạo ra một không gian lớp học thật gần gũi với thiên nhiên. Sân trường, vườn trường là thế giới tự nhiên thu nhỏ để các cháu học sinh học tập và vui chơi.

Cụ thể:

          Năm học 2012 – 2013:

– Địa phương đầu tư xây dựng 12 phòng học cao tầng và đổ bê tông sân chơi, sân tập; với tổng số kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

– Hội cha mẹ học sinh đầu tư trên 200 triệu đồng: xây nhà ăn, bếp ăn, khu bán trú cho học sinh,…

– Bên cạnh đó còn huy động sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh với tổng số kinh phí khoảng 50 triệu đồng dùng để cải tạo sân trường, trồng cây xanh, cây cảnh.

          Năm học 2013 – 2014:

– Huy động sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh sửa sang toàn bộ hệ thống điện các phòng học, lắp thêm quạt, chuyển đổi mạng điện 3 pha, tiếp tục trồng cây xanh, cây bóng mát tại sân khu bán trú với tổng giá trị 30 triệu đồng.

– Ngoài ra còn vận động những tấm lòng hảo tâm của các bậc phụ huynh, cán bộ giáo viên trong trường góp phần đổi mới không gian lớp học phục vụ tốt cho việc dạy và học với kinh phí gần 40 triệu đồng.

          Năm học 2014 – 2015:

– Địa phương đầu tư 1 tỷ đồng để hoàn thiện các phòng chức năng,sân chơi, vườn trường, khuôn viên nhà trường.

Ngoài việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất thì chính quyền địa phương còn tích cực trong công tác thông tin và truyền thông ghép ở các hội nghị, trên phương tiện truyền thanh. Để thống nhất và nhận thức tạo sự thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận, phát huy sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục. Đặc biệt với mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam”. Từ đó khi nhà trường thực hiện đều được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp lãnh đạo cũng như phụ huynh học sinh. Từ khi thực hiện mô hình đến nay tuy chưa dài, mới qua ¼  năm học nhưng qua dư luận, qua sự đánh giá của phụ huynh học sinh và qua sự hoạt động của nhà trường chúng tôi thấy:

1 –Học sinh đi học hồ hởi, phấn khởi và thoải mái.

2 –Học sinh chững trạc, tự tin trong giao tiếp, kỹ năng sống có nhiều tiến bộ.

3 –Tính tự giác, tính tự quản cao hơn.

4 –Đội ngũ giáo viên bán lớp, bám trường, chăm lo cho trường lớp nhiều hơn.

5 –Phụ huynh dõi theo con em mình tốt hơn.

6 –Phụ huynh và giáo viên nhà trường gắn bó mật thiết hơn.

7 –Phụ huynh tôn trọng, tin tưởng giáo viên hơn.

8 –Phụ huynh tích cực chăm lo, đóng góp sửa sang lớp học cho con em mình tốt hơn…

9 –Lãnh đạo địa phương cũng phải bám sát nhà trường hơn nếu không sẽ cảm thấy tụt hậu.

Tuy thời gian tổ chức thực hiện mô hình “Trường tiểu học mới Việt Nam” tại trường tiểu học Nam Mỹ mới qua ¼ năm học, với cương vị là Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ – chúng tôi nhận thức, cảm nhận mô hình và tổ chức chỉ đạo phối hợp thực hiện. Đồng thời theo dõi, tập hợp dư luận, phản ảnh kết quả sau một thời gian thực hiện. Nay được chia sẻ trước Hội nghị, có gì chưa đạt yêu cầu mong Hội nghị thông cảm.

Cuối cùng thay mặt cho lãnh đạo địa phương tôi xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, rất mong được sự quan tâm từ các cấp lãnh để địa phương chúng tôi ngày càng phát triển vững chắc.

Thay mặt cho lãnh đạo địa phương xin gửi tới giáo dục tỉnh Nam Định bó hoa tươi thắm, thể hiện tình cảm và sự hiếu học trọng thầy của nhân dân xã Nam Mỹ.

                                                       Xin chân thành cảm ơn!